VIỆC LÀM QUÍ LẮM Công ty Pouyen lại vừa giải quyết cho nghỉ việc hơn 4.000 công nhân (53% là trên 40 tuổi). Trong khi đó thì khu Chế xuất Tâ...
VIỆC LÀM QUÍ LẮM
Công ty Pouyen lại vừa giải quyết cho nghỉ việc hơn 4.000 công nhân (53% là trên 40 tuổi). Trong khi đó thì khu Chế xuất Tân Thuận cũng có rất nhiều công nhân phải nghỉ việc. Lí do thật đơn giản: Nhà máy không có hợp đồng. Tức là không có việc làm.
Bất động sản đóng băng, ngân hàng rúng động, sản xuất đình trệ, du lịch sa sút… Kinh tế thực sự đang lâm vô một cuộc khủng hoảng lớn. Cứ nhìn cách hành xử của Pouyen, nhìn số tiền chu cấp nghỉ việc của họ, thì cho thấy, họ đối xử với người lao động rất đàng hoàng. Tôi tin rằng, giới chủ và quản lí của công ty Pouyen cũng rất đau lòng khi phải sa thải công nhân như vậy.
Hơn lúc nào hết, việc làm bây giờ là rất quí giá. Thế nhưng, nhiều người lao động lại không biết quí việc làm của mình. Ngoài việc tự đánh giá mình quá cao, nghĩ rằng công ty không có mình thì sẽ không tồn tại nổi, thì còn vô vàn lí do trời ơi đất hỡi mà một người điều hành doanh nghiệp phải giải quyết.
Chúng tôi tuyển người chăm sóc nhà cửa, vườn ở Đà Lạt, có hàng chục người ứng tuyển. Hầu hết các trường hợp ở xa, chỉ có một trường hợp ở gần có thể đến phỏng vấn ngay. Đó là một anh chàng trên 40 tuổi, dáng vẻ khắc khổ. Anh làm nghề lái xe, bị thu giữ bằng nên không đi làm được. Khi được trả bằng thì không thể nào kiếm được việc làm nữa. Mấy tháng trời chỉ được gọi lái 1, 2 cuốc xe. Anh ấy thực sự ở thế cùng quẫn (theo lời anh ấy).
Hơn 40 tuổi, không có bất cứ tài sản gì, tiền không có, công việc không có… tương lai mờ mịt. Chúng tôi nhận anh ấy vô làm thực sự do tình cảm hơn là lí trí. Một phần vì hiện đã có người chín chắn hơn đang làm, hi vọng sẽ hướng dẫn được cho anh ấy. Chúng tôi ứng cho anh ấy một khoản tiền để anh ấy giải quyết việc cá nhân và đi lên Đà Lạt, dặn dò rất kĩ đi chuyến xe nào để đến vào giờ có xe trung chuyển.
Mấy ngày sau, anh ấy lên tới Đà Lạt vào giữa đêm. Vậy là người đang làm trên ấy giữa đêm phải đi đón về. Vài ngày sau, chúng tôi lên. Chúng tôi nhận thấy anh này siêng năng, dù chưa biết làm gì, nhưng có vẻ không hợp tác lắm với người cũ, dù chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại, rằng người cũ là sếp.
Chúng tôi về Sài Gòn được vài hôm thì anh ta gọi điện xin nghỉ việc. Hỏi lí do thì anh ấy nói anh sếp la ảnh. Hỏi la cái gì, thì ra là ảnh hút thuốc trong nhà, mà chúng tôi đã qui định không được hút thuốc trong nhà (vì nhà toàn đồ gỗ dễ cháy), và chính tôi đã phổ biến qui định cho anh ấy. Mà cũng đâu có la gì, chỉ yêu cầu anh ấy ra đúng chỗ hút thuốc để hút.
Rồi anh ấy than là anh sếp phân công cho anh ấy việc nặng. Hỏi ra mới biết, anh sếp phải làm những việc kĩ thuật như bón phân, phun thuốc, tỉa cành, tỉa bông… Hỏi anh ấy đã biết làm những việc ấy chưa, thì chưa biết. Trong khi đó, tôi và bà xã, dù có chút trình độ, cũng phải hỏi hết chỗ này đến chỗ khác, mới hiểu được chút ít về phân hữu cơ, thuốc sinh học… Anh ấy vừa mới làm chưa được 1 tuần thì ai mà chỉ kịp.
Thấy chuyện rất là nhỏ nhặt, vớ vẩn, tôi nói với anh ấy: “Em có nhớ lúc em đến gặp anh chị phỏng vấn không? Hoàn cảnh của em lúc ấy thật bi đát. Bây giờ em có việc làm, có tiền, có chỗ ở ngon lành, miễn phí, xài điện nước không phải trả tiền. Bếp sẵn, chỉ mua đồ về nấu ăn, mà giá cả ở Đà Lạt cũng khá là thấp, rau ráng trong vườn có sẵn, bớt được bao nhiêu chi phí. Sao không ở làm mà lại xin nghỉ”.
Và tôi cho anh ấy 1 ngày suy nghĩ lại. Vài giờ sau, anh ấy nhắn, rằng dứt khoát xin nghỉ, chỉ xin làm thêm mấy ngày cho đủ số tiền chúng tôi đã ứng. Chúng tôi gọi hỏi anh sếp của anh ấy. Anh sếp của anh ấy kể lại cũng y như anh ấy, và cho rằng chuyện đó nhỏ, và có ý bảo vệ anh ấy. Anh sếp cũng khuyên anh ấy ở lại làm ít tháng để có chút tiền. Vậy mà anh ấy không nghe. Tôi đành nói anh sếp ứng cho anh ấy thêm tiền để cho anh ấy về.
Hôm sau anh sếp chuyển cho chúng tôi tin nhắn của anh ấy, đại khái rằng bây giờ không biết đi đâu, về đâu, ngay cả cái xe gắn máy cũng không có, chẳng có chỗ nào để nương tựa… Rồi anh sếp muốn xin chúng tôi cho anh kia làm lại. Làm sao cho làm lại khi anh ấy nhất định xin nghỉ, và lí do để anh ấy nghỉ việc chính là anh sếp. Trong khi đó thì ngay khi nhận anh ấy vô làm, chúng tôi đã đóng tin đăng tuyển, nhưng mấy ngày sau đó vẫn có hàng chục người gọi xin làm việc.
Kể câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói, rằng các bạn cần trân trọng cái mình đang có, nhất là việc làm, vào lúc này. Đừng nghĩ rằng mình bị xử ép, hay mình đã quá cao siêu, không có người thay thế. Là một người chủ doanh nghiệp, tôi nghĩ, mỗi là đơn xin nghỉ việc bây giờ sẽ khiến cho người chủ có tâm nhẹ lòng một chút, vì bớt phải ra một quyết định sa thải.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào