Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHẾT ÊM ÁI VÀ SỐNG ÊM ÁI

CHẾT ÊM ÁI VÀ SỐNG ÊM ÁI Tình cờ, tôi đọc được bài viết của một người, chia sẻ lại ý kiến của nữ sĩ Quỳnh Dao về việc chữa bệnh lúc bà về gi...

Quỳnh Dao

CHẾT ÊM ÁI VÀ SỐNG ÊM ÁI

Tình cờ, tôi đọc được bài viết của một người, chia sẻ lại ý kiến của nữ sĩ Quỳnh Dao về việc chữa bệnh lúc bà về già. Xin trích lại một đoạn:

Quỳnh Dao viết thêm: "Năm nay mẹ 79 tuổi, năm sau đã là 80. Sống đến tuổi này đã là sự ban ơn của thượng đế đối với mẹ. Chính vì lẽ đó, từ giờ trở đi, mẹ sẽ đón nhận cái chết với nụ cười trên môi. Mong muốn của mẹ chỉ là:

1. Dù mẹ có lâm trọng bệnh thế nào, nhất quyết không được phẫu thuật, hãy để mẹ ra đi nhanh chóng. Chừng nào mẹ còn minh mẫn làm chủ được mọi thứ thì hãy để mẹ làm chủ, bằng không thì phải nghe theo ý nguyện của mẹ.

2. Không được đưa mẹ vào phòng điều trị hồi sức cấp cứu đặc biệt.

3. Bất luận là chuyện gì, tuyệt đối không được lắp ống thở cho mẹ. Bởi vì một khi mẹ đã mất khả năng nuốt, tức là cũng mất đi niềm vui ăn uống. Mẹ không muốn sống cuộc sống như vậy.

4. Thêm một điều nữa, dù có chuyện gì, cũng không được đặt ống truyền chất bổ cho mẹ. Kể cả ống thông, ống thở,... đều không được.

5. Mẹ đã từng nhắc nhở rồi, những biện pháp cứu sống như điện giật, các loại máy móc, tất cả đều không được dùng. Mẹ muốn ra đi nhẹ nhàng, điều này còn quan trọng hơn việc để mẹ sống trong đớn đau.

Mẹ đã từng nói: "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".

Hết trích.

Bắt đầu từ năm lớp 7, tức là năm 1972, tôi được tiếp xúc với một số tác phẩm của dòng văn học lãng mạn. Những “Hồn bướm mơ tiên”, “Nửa chừng xuân”… là những cuốn sách nhàu nát, có khi mất hẳn vài ba tờ, được chúng tôi truyền tay nhau. Thậm chí có những cuốn phải chép tay. Lúc đó tôi chẳng biết gì đến Tự lực văn đoàn, nhưng những cuốn truyện không có bắn giết, không có đấu tranh… làm mê hoặc tuổi trẻ của tôi.

Năm 1975, vô Sài Gòn, tôi được biết đến Quỳnh Dao. Thực ra, tôi không thích truyện của bà lắm, vì nó khá xa lạ với tôi. Cảm giác khi đọc truyện của bà, là nói về một thế giới khác, không phải của tôi. Tuy nhiên, có thể nói, các câu chuyện của bà nói về cách yêu thương, cách đối xử với người mình yêu. Dù có bao nhiêu xung đột, nhưng luôn rất nhân văn. 

Giống như Quỳnh Dao, tôi cũng có mong muốn được chết một cách êm ái, không phải đau đớn, vật lộn. Năm nay tôi mới 65 tuổi, nhưng tôi thấy rằng mình đã được rất nhiều, đã có một cuộc đời có ý nghĩa. Nếu có phải chết vào lúc này, thì điều đó chẳng có gì phải tiếc nuối. Được chết êm ái là một diễm phúc, mà không nhiều người được hưởng.

Thế nhưng, nếu cuộc đời không cho tôi được như vậy, và bắt tôi phải sống với đau đớn hay tàn tật thì sao? Không lẽ tôi chấp nhận sống cùng với đau đớn, tàn tật? Không. Nếu việc chữa trị chỉ để tôi kéo dài đời sống trong đau khổ, tàn tật, thì tôi có thể không chọn nó. Nhưng nếu việc chữa trị nhằm giảm thiểu đau đớn, giảm bớt tác hại của tàn tật, thì tại sao tôi phải ôm lấy sự đau đớn, tàn tật, để nó đục khoét suốt phần đời còn lại của mình?

Việc đặt ống thông, tiêm chích, truyền dịch, nằm phòng săn sóc đặc biệt… đâu phải chỉ để kéo dài cuộc sống một cách vô nghĩa. Một trong các mục tiêu của điều trị, là làm tăng chất lượng cuộc sống. Tức là nếu không được chết một cách êm ái, thì tôi muốn mình phải được sống một cách êm ái nhất có thể.

Nếu chỉ vì một vấn đề nho nhỏ, mà kiên quyết không điều trị, để đến mất mạng, thì đó là sự cố chấp hay mông muội. Ví dụ như bị viêm ruột thừa, thì phải vô phòng mổ, phải vô phòng hồi sức… Còn không chấp nhận điều trị, để vỡ ra, viêm phúc mạc, rồi sốc nhiễm trùng, và chết, thì đó là cái chết lãng xẹt, chứ đâu có nhẹ nhàng hay êm ái.

Nếu phải chết, tôi mong muốn một cái chết êm ái nhất có thể. Còn nếu đời bắt tôi phải sống, thì tôi sẽ làm mọi cách để mình được sống “êm ái” nhất. Tôi không chọn cái chết như một sự chạy trốn, mà tôi sẽ chọn sống tốt nhất có thể.


Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào