XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU? Nhiều ý kiến phản bác ý kiến của vị Hiệu phó Đại học Giáo dục nào đó, nói rằng: “Cho phép dạy thêm còn hơn để giáo viên bá...
XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU?
Nhiều ý kiến phản bác ý kiến của vị Hiệu phó Đại học Giáo dục nào đó, nói rằng: “Cho phép dạy thêm còn hơn để giáo viên bán hàng, làm môi giới bất động sản”. Tôi thật sự không rõ bối cảnh mà vị hiệu phó phát biểu câu này, nhưng theo tôi, cần nhìn phát biểu này dưới những góc độ khác nhau.
Nếu xuất phát từ nhu cầu tăng thu nhập cho giáo viên, thì đề xuất này vừa phản giáo dục, vừa quá thực dụng, khuyến khích giáo viên trục lợi trên học sinh của mình. Nhưng nếu xuất phát từ nhu cầu học thêm của học sinh, thì cần phải xem xét lại trước khi phản bác ý kiến này.
Hồi đó, người ta cho phép các bác sĩ chế độ cũ tốt nghiệp trước năm 1975 được phép làm phòng mạch, để cải thiện đời sống. Thế rồi, các bác sĩ không thuộc chế độ cũ nói: “Họ cần sống, vậy chúng tôi không cần sống sao?”. Rồi đến lứa chúng tôi, ra trường sau năm 1975, với đồng lương thực sự không thể giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu sống sót cực tối thiểu, cũng cần phải có tiền. Và con đường để có tiền là phòng mạch.
Tôi làm phòng mạch cũng xuất phát từ nhu cầu kiếm tiền cho bản thân. Tuy nhiên, nếu không làm phòng mạch, tôi không thể biết rằng, nhu cầu khám bệnh ở phòng mạch là nhu cầu có thực, và rất lớn. Đừng tưởng là chỉ có những người nhiều tiền mới đến phòng mạch. Thực ra đối tượng chính của phòng mạch là những người lao động, có thu nhập thấp. Họ phải đi làm, phòng mạch có thời gian làm việc phù hợp để họ không phải bỏ công việc để đi khám bệnh.
Hiện nay, ở các nước phát triển, thu nhập của bác sĩ khá cao, nhưng nhà nước tìm mọi cách khuyến khích các bác sĩ làm thêm giờ, nhiều jobs… để giải quyết nhu cầu cần khám bệnh của người dân. Đã thuộc nhóm có thu nhập cao, lại làm nhiều giờ, nên đa số các bác sĩ thuộc nhóm giàu có. Cá nhân các bác sĩ làm nhiều nơi, nhiều giờ có thể là để kiếm tiền. Nhưng việc các bác sĩ làm thêm giờ ở các nước ấy đều là nhu cầu thực sự của xã hội.
Ở Việt Nam, cho đến giờ phút này, việc các bác sĩ khám thêm ngoài giờ, làm phòng mạch hoặc làm tại các phòng khám tư nhân ngoài giờ giúp giải quyết một lượng lớn người bệnh. Khác với các nước, lãnh đạo của chúng ta đã làm một việc mà thế giới không làm được, đó là cho phép các trường nhỏ lẻ đào tạo thật nhiều bác sĩ. Có lẽ, 10 năm nữa thì chúng ta sẽ không cần phòng mạch hay phòng khám ngoài giờ, vì chúng ta sẽ thừa bác sĩ.
Trở lại chuyện dạy thêm. Có khi nào chuyện dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực sự không? Thực ra, nếu chúng ta giảm thiểu những phần vô bổ trong chương trình học, thì có lẽ nhu cầu học thêm không nhiều lắm. Còn nếu vẫn muốn đào tạo bác học ở cấp phổ thông như hiện nay, thì nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật và khá lớn.
Tất nhiên, vì có quá nhiều chuyện “cười ra nước mắt” xung quanh việc dạy thêm, học thêm, nên khi nói đến nó, người ta sẽ nghĩ ngay đến hướng tiêu cực. Trên thực tế, vẫn có nhu cầu học thêm thực sự từ phía học sinh.
Cháu tôi, khi lên trung học cơ sở, cháu học rất khổ sở. Cô giáo dạy cháu ở lớp và dạy thêm cũng bó tay. Vậy là gia đình phải đi tìm thầy cho cháu. Cũng nhờ các chú bác của cháu trong ngành giáo dục tìm, mới ra được người có khả năng dạy cho cháu. Ngặt nỗi, nếu đi học thêm 2 nơi thì cháu không có thời gian, mà không học cô thì cháu sẽ càng khó khăn trên lớp. “May mắn” là cô chấp nhận giải pháp, đóng tiền học thêm ở nhà cô nhưng không đi học thêm ở đó, dành thời gian đi học thầy chuyên kèm cặp học sinh yếu.
Rất khó để bình luận về ý kiến của vị Hiệu phó Đại học Giáo dục kia. Nhưng tôi tin là vị ấy sẽ nói, rằng ý của ông ta là để phục vụ nhu cầu học thêm có thật. Ở đất nước ta, chúng ta đã rất quen với những mục tiêu cao cả, những lí do hết sức chính đáng và nhân văn cho mọi hành động, kể cả việc phá cửa, bẻ tay cô giáo đi “ngoáy mũi” hồi nào.
Không có nhận xét nào